Phần mềm thi công bấc thấm (PVD Record)

Phát triển công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào nhân công, gia tăng năng suất lao động là một trong những triết lý kinh doanh của S-LINK. Với kinh nghiệm thi công lâu năm trong lĩnh vực thi công bấc thấm, S-LINK đã phát triển bộ ghi tự động quá trình thi công bấc thấm nhằm tự động hóa quá trình thi công giúp công việc quản lý chất lượng được dễ dàng hơn, giảm được nhân công ghi chép, tăng năng suất lao động.

Phần mềm này được Kỹ sư Vũ Bình Minh, kỹ sư IT thuộc bộ phận nghiên cứu của S-LINK phát triển, ứng dụng đại trà cho các thiết bị của S-LINK và trang bị cho các đối tác thân thiết khác.

Chức năng của phần mềm này nhằm ghi lại:

  1. Các thông số của điểm đóng bấc thấm: Tên điểm bấc thấm, thời gian thi công, độ sâu thi công, độ sâu thiết kế, góc nghiêng ống vách, áp lực đóng, độ kéo lên (trong trường hợp đất quá yếu bấc bị kéo lên).
  2. Các thông số chung: Tên dự án, Khu vực thi công, Tên thầu chính, …
  3. Bảng tổng kết quá trình thi công: tổng khối lượng bấc thấm, số điểm bấc thấm, …

Với giao diện trực quan, đơn giản phần mềm được người sử dụng trực tiếp (lái máy) đánh giá cao về mức độ thuận tiện thao tác, dễ dàng trong sử dụng. Ngoài ra phần mềm còn có giao diện tiếng Anh để sử dụng trong trường hợp các dự án cần báo cáo bằng Tiếng Anh. Giao diện phần mềm phiên bản hiện tại:

Với những kinh nghiệm tích lũy được trong thi công, S-LINk đang dần nghiên cứu phát triển các phần mềm tương tự cho các hoạt đông thi công khác nhằm quản lý tốt hơn các thiết bị của mình, tự động hóa phần lớn các thao tác thi công để tăng năng suất lao động, tăng độ tin cậy trong thi công và kiểm soát tốt hơn chất lượng thi công.

Cọc xi măng đất

Ở Việt Nam hiện nay phổ biến hai công nghệ thi công cọc xi măng đất là công nghệ trộn khô (Dry Jet Mixing) và công nghệ trộn ướt (Wet Mixing hay Jet-grouting) – là công nghệ của Nhật Bản. Mỗi công nghệ sẽ có thiết bị và dây chuyền thi công phù hợp khác nhau. S-LINK xin giới thiệu đến độc giả công nghệ thi công cọc xi măng – đất để làm rõ hơn về vấn đề này.

Cọc xi măng đất bản chất là hỗn hợp giữa đất nguyên trạng nơi gia cố và xi măng được phun xuống nền đất bởi thiết bị khoan phun. Mũi khoan được khoan xuống làm tơi đất cho đến khi đạt độ sâu lớp đất cần gia cố thì quay ngược lại và dịch chuyển lên. Trong quá trình dịch chuyển lên, xi măng được bơm phun vào nền đất (bằng áp lực khí nén đối với hỗn hợp khô hoặc bằng bơm vữa đối với hỗn hợp dạng vữa ướt).

Công nghệ thi công cọc xi măng – đất với kết quả là tạo ra cột đất gia cố từ vữa xi măng phụt ra hòa trộn với bản thân đất nền. Nhờ có xi măng bơm phun ra với áp suất cao, các phần tử đất xung quanh lỗ khoan bị xới tơi ra và hòa trộn với xi măng, sau khi đông cứng tạo thành một khối đồng nhất gọi là Cọc xi măng đất (soilcrete). Cọc xi măng – đất hình thành sẽ đóng vai trò ổn định nền và gia cường độ cho nền. Cường độ chịu nén của xi măng đất từ dao động khoảng 20 ÷ 250 kg/ cm2, tuỳ thuộc vào loại, hàm lượng xi măng và tỷ lệ đất còn lại trong khối xi măng đất và loại đất nền.

Cọc xi măng đất được thi công tạo thành theo phương pháp khoan trộn sâu. Dùng máy khoan và các thiết bị chuyên dụng khoan vào đất nền với đường kính và chiều sâu lỗ khoan theo thiết kế. Đất trong quá trình khoan không được lấy lên khỏi lỗ khoan mà chỉ bị phá vỡ liên kết, kết cấu và được các cánh mũi khoan nghiền tơi, trộn đều với chất kết dính xi măng (đôi khi có thêm phu gia và cát).

Quá trình trộn đều bởi phun (hoặc bơm) chất kết dính với đất trong lỗ khoan, tùy theo yêu cầu có thể được thực hiện ở cả hai pha khoan xuống và rút lên của mũi khoan hoặc chỉ thực hiện ở pha rút mũi khoan lên. Để tránh lãng phí xi măng, hạn chế xi măng thoát ra khỏi mặt đất gây ô nhiễm môi trường, khi rút mũi khoan lên cách độ cao mặt đất từ 0,5 ÷ 1,5m thì sẽ dừng phun chất kết dính nhưng đoạn cọc trên này vẫn được phun đầy đủ chất kết dính là nhờ chất kết dính có trong đường ống tiếp tục được phun (hoặc bơm) vào hố khoan. Khi kết thúc mũi khoan rút lên khỏi hố khoan, trong hố khoan còn lại đất nền đã được trộn đều với chất kết dính và hỗn hợp đó dần dần đông cứng tạo thành cọc xi măng đất.

Thiết bị máy phương pháp xử lý bằng cọc xi măng đất khá đơn giản bao gồm một máy khoan với hệ thống lưỡi có đường kính thay đổi (tùy theo đường kính cọc được thiết kế ) và hệ thống silô chứa xi măng có gắn máy bơm nén với áp lực lên tới 12kg/cm2.

1. Công nghệ trộn ướt

Công nghệ trộn ướt  (khoan phụt vữa cao áp) là một quá trình bê tông hóa đất. Nhờ có tia nước và tia vữa phun ra với áp suất cao ( 200 ÷ 400 atm) và tốc độ lớn ≥ 100 m/s, các phần tử đất nền xung quanh lỗ khoan bị xói tơi ra và hòa trộn với vữa phụt đông cứng tạo ra một khối đồng nhất “xi măng – đất”. Nguyên lý công nghệ theo 3 cách sau:

Công nghệ đơn pha: Tia vữa xi măng phun ra với vận tốc ≥ 100 m/s vừa cắt đất đồng thời vừa trộn vữa với đất tạo ra hỗn hợp xi măng đất đồng đều. Cọc xi măng đất đồng nhất có độ cứng cao và hạn chế đất trào ngược lên

 
Giao hai tia phun áp lực cao.

Công nghệ hai pha: Hỗn hợp vữa xi măng được bơm ở áp suất cao, tốc độ lớn và được trợ giúp bởi một tia khí nén bao bọc quanh vòi phun; cho phép vữa xâm nhập sâu hơn vào trong lòng đất và tạo ra cọc xi măng đất đường kính lớn hơn. Tuy vậy tia khí làm giảm độ cứng cọc xi măng đất và đất dễ bị trào ngược lên.

Công nghệ ba pha: Quá trình phụt có cả vữa, không khí và nước; Vữa xi măng được bơm qua một vòi riêng biệt nằm dưới vòi khí và vòi nước để lấp đầy khoảng trống của khí. Công nghệ này là phương pháp thay thế đất hoàn toàn. Đất bị trào ngược lên mặt đất sẽ được thu gom xử lý vận chuyển đi.

Sơ đồ công nghệ trộn ướt.

Theo công nghệ trộn ướt có thể thi công  theo 6 bước sau:

Bước 1: Đinh vị máy khoan vào đúng vị trí khoan cọc bằng máy toàn đạc điện tử.

Bước 2: Bắt đầu khoan vào đất, quá trình mũi khoan sẽ đi xuống đến độ sâu theo thiết kế.

Bước 3: Bắt đầu bơm vữa theo quy định và trộn đều trong khi mũi khoan đang đi xuống, tốc độ mũi khoan đi xuống : 0,5m÷0,7m/phút.

Thi công cọc xi măng đất bằng công nghệ trộn ướt.

Bước 4: Tiếp tục hành trình khoan đi xuống, bơm vữa và trộn đều, đảm bảo lưu lượng vữa theo đúng thiết kế.

Bước 5: Khi đến độ sâu mũi cọc, dừng khoan và dừng bơm vữa và tiền hành quay mũi ngược lại và rút cần khoan lên, quá trình rút lên kết hợp trộn đều 1 lần và nén chặt vữa trong lòng cọc, nhờ cấu tạo mũi khoan. Tốc độ rút cần khoan lên trung bình: 0,8m÷1,2m/phút.

Bước 6: Sau khi mũi khoan được rút lên khỏi miệng hố khoan, 01 cây cọc vữa được hoàn thành. Thực hiện công tác dọn dẹp phần phôi vữa rơi vãi ở hố khoan, chuyển máy sang vị trị cọc mới.

2. Công nghệ trộn khô

Sơ đồ công nghệ trộn khô

Công nghệ này sử dụng cần khoan có gắn các cánh cắt đất, chúng cắt đất sau đó trộn đất với xi măng khô (có hoặc không có chất phụ gia) bơm theo trục khoan để tạo thành một trụ – cọc đất xi măng. Ngoài xi măng, các loại bột khô và các thành phần kích thước hạt nhỏ hơn 5mm cũng có thể được sử dụng. Chủng loại và chất lượng của hỗn hợp được sử dụng là độc lập với các tính chất của nền đất yếu cũng như yêu cầu cơ học của đất được xử lý. Theo từng loại đất mà thiết kế hàm lượng xi măng phù hợp. Thiết bị máy có hệ thống tự động cân chỉnh độ thẳng đứng cần khoan cũng như cung cấp các số liệu chính xác và liên tục về chiều sâu , tốc độ rút cần và tốc độ xoay cần khoan.

Quy trình thi công theo công nghệ trộn khô có thể theo 5 bước sau:

Bước 1: Đinh vị máy khoan vào đúng vị trí kho- an cọc bằng máy toàn đạc điện tử.

Bước 2: Bắt đầu khoan, mũi khoan đi xuống độ sâu theo thiết kế đồng thời phá tơi đất.

Bước 3: Bắt đầu phun xi măng và trộn đều vào đất trong khi mũi khoan đang đi lên.

Bước 4: Hành trình khoan xoay bơm và trộn đều xi măng vào đất lưu lượng đúng thiết kế.

Bước 5: Kết thúc thi công cọc xi măng đất theo đúng độ sâu theo thiết kế.

Các kiểu bố trí cọc xi măng đất tùy theo mục đích sử dụng để tính toán phù hợp theo các mô hình khác nhau: trụ đơn, mảng, khối, tường, tổ hợp; Một số cách bố trí như hình vẽ sau:

Bố trí trụ trộn khô: 1- Dải; 2 – Nhóm ( 3 – Lưới tam giác, 4 – Lưới vuông)

Bố trí trụ trùng nhau theo khối

Bố trí trụ trộn ướt trên mặt đất: 1- Kiểu tường, 2- Kiểu kẻ ô, 3- Kiểu khối, 4- Kiểu diện

Bố trí trụ trộn ướt trên biển:1- Kiểu khối, 2 – Kiểu tường, 3- Kiểu kẻ ô, 4 – Kiểu cột, 5- Cột tiếp xúc, 6- Tường tiếp xúc, 7- Kẻ ô tiếp xúc, 8- Khối tiếp xúc.

Bố trí trụ trộn ướt trùng nhau và thứ tự thi công

3. Thiết kế thi công cọc xi măng – đất.

Thiết kế gia cố nền đất yếu bằng trụ đất xi măng cần tuân theo quy trình sau:

– Khảo sát địa chất công trình, thí nghiệm xác định hàm lượng xi măng thích hợp trong phòng thí nghiệm;

– Thiết kế sơ bộ  nền  gia  cố  theo  điều kiện tải trọng tác dụng của kết cấu bên trên (căn cứ vào kết quả thí nghiệm mẫu trong phòng và kinh nghiệm tích lũy);

– Thi công trụ thử bằng thiết bị dự kiến sử dụng;

– Tiến hành các thí nghiệm kiểm tra ( xuyên cánh, xuyên tĩnh, nén tĩnh, lấy mẫu…);
– So sánh với các kết quả thí nghiệm trong phòng, đánh giá lại các chỉ tiêu cần thiết;

– Điều chỉnh thiết kế ( hàm lượng chất gia cố, chiều dài hoặc khoảng cách giữa các trụ);

– Thi công đại trà theo công nghệ đã đạt yêu cầu và tiến hành kiểm tra chất lượng phục vụ nghiệm thu.

Tuy cùng một tỷ lệ pha trộn nhưng luôn có sự khác nhau giữa mẫu chế trong phòng thí nghiệm và thực tế thi công bằng các thiết bị ngoài hiện trường, cho nên việc thi công trụ thử, tìm hiệu quả gia cố tối ưu là quy định bắt buộc. Trụ thử phải thi công ngoài công trình để có thể tiến hành thí nghiệm kiểm tra. Số lượng trụ thử do tư vấn thiết kế quyết định, nhưng không ít hơn 2 trụ cho mỗi loại thiết bị và công nghệ. Quyết định thi công đại trà chỉ có thể đưa ra sau khi đã thi công và thí nghiệm trụ thử đạt yêu cầu.

Vật liệu dùng trong thi công vào đất gồm một số hoặc toàn bộ các thành phần sau: chất kết dính (xi măng, vữa xi măng), phụ gia, nước, chất độn (cát,…) và cốt thép.

Tất cả các vật liệu và sản phẩm dùng chế tạo cọc xi măng đất phải tuân theo các tiêu chuẩn liên quan hiện hành, và các quy định môi trường. Nguồn cung cấp vật liệu phải rõ xuất xứ; Vật liệu và sản phẩm phải đúng yêu cầu thiết kế.

Mô tả phản ứng hóa học giữa đất, xi măng, phụ gia và nước

Thiết kế biện pháp thi công cần làm sáng tỏ các vấn đề sau:

– Mục tiêu và phạm vi của công tác trộn sâu;

– Mô tả đất nền theo tiêu chuẩn khảo sát;

– Hình dáng của trụ;

– Phương pháp trộn sâu;

– Thiết bị trộn : hình dáng/ kích thước/cấu trúc của cần xoay, vị trí lỗ xuất xi măng, hình dáng và chiều dài của đầu trộn;

– Hành trình làm việc ( khoan xuống và rút lên, trộn và trình tự thi công);

– Các thông số : chủng loại và thành phần xi măng, hàm lượng xi măng, tỷ lệ nước/xi măng, phụ gia…;

– Phòng ngừa lún và đẩy trồi;

– Tổ chức hiện trường;

– Máy móc và thiết bị;

– Quản lý đất thải;

– Quy trình quản lý chất lượng;

– Quy trình xử lý khi có sự cố dừng thi công;

– Khả năng sửa đổi các thông số trộn trong khi thi công;

– Các phương pháp thí nghiệm kiểm chứng;

– Hồ sơ thi công (nhật ký, bản vẽ, biểu ghi chép)

– Đánh giá nguy cơ tác động đến môi trường và an toàn.

Xử lý nền đất yếu bằng cọc xi măng – đất có khả năng ứng dụng rất rộng rãi không chỉ trong ngành xây dựng mà còn trong các lĩnh vực giao thông và thủy lợi. Trong xây dựng, dùng cọc xi măng đất thay thế các loại móng cọc truyền thống; gia cố móng nông; làm tường vây hố móng; tường ngăn nước; gia cố đường hầm; tường neo; gia cố nền các bồn chứa và tòa tháp; gia cố vùng đất yếu xung quanh đường hầm. Trong thủy lợi, công nghệ này được ứng dụng để làm tường hào chống thấm cho đê, đập, chống thấm mang, đáy cống; gia cố nền móng công trình; tăng ổn định tường chắn, chống trượt mái đất; làm tường kè, tường chắn sóng… Trong giao thông, công nghệ xi măng đất được ứng dụng để gia cố nền đường; mố cầu dẫn. Ngoài ra, công nghệ này còn được ứng dụng trong lĩnh vực môi trường để ngăn vùng đất bị ô nhiễm. Đặc biệt, với đường kính khoan nhỏ (40-90mm) mà vẫn có thể tạo được diện xử lý rộng nằm dưới móng hiện trạng mà không ảnh hưởng tới kết cấu công trình, công nghệ này có lợi thế lớn trong việc sửa chữa, gia cố nền của các công trình xây dựng nhà ở đang gặp vấn đề lún hoặc sạt, trượt.

Ngoài ứng dụng gia cố nền đất yếu, các ứng dụng chính của cọc xi măng đất có thể kể đến xử lý lún nghiêng, tường chống thấm, tường vách hố móng, nền đường, vỏ bảo vệ công trình ngầm, ứng dụng cọc xi măng đất để xử lý các hư hỏng của cống dưới đê (thấm qua nền, mang cống), v.v. Trong các ứng dụng này, một hàng cọc bê tông đất nằm liên tiếp nhau, thậm chí đan xen nhau tạo thành một bức tường có tác dụng chống thấm tốt và có thể chịu lực xô ngang. Ứng dụng cọc xi măng đất để xử lý các hư hỏng của công trình do nền đất yếu gây ra cũng rất phù hợp và hiệu quả.

Nhờ sự gọn nhẹ của dây chuyền thiết bị, việc thi công có thể tiến hành trong địa hình chật hẹp (diện thi công nhỏ), không ảnh hưởng đến các công trình lân cận chiều cao hạn chế (tối thiểu 3m) nên công nghệ xử lý nền đất yếu bằng cọc xi măng đất rất hiệu quả và phù hợp với điều kiện nước ta trong triển vọng phát triển ngành xây dựng vững mạnh toàn diện.

(Theo tạp chí KHKT Xi măng)

Thi công bó vỉa, dải phân cách bằng máy

Hiện đại hóa, áp dụng công nghệ là một hướng đi tất yếu nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành thi công, tăng độ tin cậy chất lượng. Thấu hiểu được vấn đề đó nên S-LINK nghiên cứu áp dụng máy thi công bó vỉa, đan rãnh, dải phân cách của thương hiệu lớn để nâng cấp năng lực thi công của mình, Power Curber là một trong những món đầu tư tốt, mang lại hiệu quả cao.

Ngoài chức năng chính là bó vỉa & đan rãnh làm dải phân cách máy cũng được dùng làm đường gôn và đường dành cho xe đạp, bậc sân vận động, rãnh dẫn nước và nhiều hơn nữa

Kích thước nhỏ gọn và tính linh hoạt của nó cho phép các nhà thầu đạt được mức năng suất mong muốn.

Băng chuyền dạng vít tải, ưu điểm là tăng công suất trộn và tăng tốc đổ. Vít tải được bao bọc kín và giữ đủ bê tông để dự trữ trong hộp kín. Điều đó giúp tiết kiệm thời gian đổ và giúp máy vẫn tiếp tục đổ khi xe chở bê tông chưa thể tiếp cận.

Tháo lắp khuôn nhanh Quick Connect cho phép bạn thay đổi khuôn mẫu chỉ trong vài phút. Bốn chiếc móc kích hoạt bằng thủy lực thả một khuôn đang gắn và lắp một khuôn khác tiếp theo nhanh chóng. Đối với các nhà thầu thay đổi khuôn thường xuyên trên các công trường hoặc đổi từ ứng dụng này sang ứng dụng khác trong cùng một ngày, Quick Connect giúp thay đổi các khuôn nhanh chóng và dễ dàng. QC cũng tự động sắp xếp khuôn và khóa nó an toàn tại chỗ..

5700-C: Lựa chọn hệ thống kiểm soát, mặt dốc Khớp xoay tiêu chuẩn cho phép đổ trong một làn đường giao thông, với xe tải bê tông xếp hàng ở phía trước máy..

Phễu rót trái phải tùy chọn. Dung tích thùng chứa nước tăng 50% – 132 gallon. Công suất nhiên liệu tăng 25% – 66 gallon.

Hệ thống điều khiển điện mới: điện tử mới cung cấp sự đơn giản của một hệ thống tương tự với các tính năng của một máy kỹ thuật số. Nhà điều hành có độ linh hoạt cao hơn để điều chỉnh cảm biến. Bằng cách nhìn vào màn hình trên bảng điều khiển, nhà điều hành có thể xác định xem có vấn đề dây, vấn đề cảm biến hay vấn đề về bộ khuếch đại và điều chỉnh nhanh chóng trước khi có vấn đề xảy ra ở bó via.

Động cơ Cummins, chạy êm và tiết kiệm nhiên liệu. Thiết kế động cơ ngược, thiết kế bộ tản nhiệt giữa trung tâm của máy, cách xa bê tông trong khoang, dẫn đến bảo dưỡng ít hơn và làm mát tốt hơn.

Sàn đứng điều khiển được nâng lên để có thể nhìn rõ hơn. Động cơ đưa nhiệt ra xa chỗ của người vận hành, làm cho người vận hành thoải mái hơn.

Dễ dàng bảo trì, máy xén dễ kiểm tra, bảo dưỡng và tháo lắp hơn và được bảo vệ bên ngoài. Giảm 1,5 giờ làm việc cho một lần bảo dưỡng. Được lắp đặt xa hơn 17,88 cm ( 7 inches ) về phía trái, máy xén có thể làm việc với lề đường 2,13m Thiết lập tiêu chuẩn của 5700-C là để đổ bên trái. Nếu công việc của bạn liên quan đến các dự án đường cao tốc mà bạn phải đổ khi xe vẫn tham gia giao thông, thì tùy chọn rót 2 bên là một ưu điểm lớn. Thay đổi từ bên này sang bên khác khoảng 3-4 giờ. Các bộ điều khiển Servo dễ dàng tiếp cận kiểm tra. Bơm và hộp bánh răng bảo dưỡng sửa chữa đơn giản.

Tác động dài hạn của phương pháp MASS STABILIZATION lên đất yếu

Những nghiên cứu trong 25 năm qua đã chỉ ra rằng sự ổn định và sức chịu lực của nền đất yếu đã tiếp tục tăng trung bình 1,6 lần so với độ chịu lực đạt được trong vòng 30 ngày kể từ lúc thi công. Và MASS STABILIZATION đã được chứng minh là phương pháp cải tạo mặt đất hiệu quả đối với các lớp yếu có độ dày tối đa 8 m.

MASS STABILIZATION làm thay đổi đáng kể các đặc tính địa kỹ thuật của đất. Kết quả của quá trình MASS STABILIZATION và tốc độ thay đổi của chất lượng đất nền chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau như loại đất, loại chất kết dính và số lượng chất kết dính được sử dụng, thời gian lưu hóa, nhiệt độ và tải trọng nén. MASS STABILIZATION làm thay đổi tính chất đất ở nhiều khía cạnh khác nhau như: thay đổi hàm lượng nước, độ dẻo, mật độ khối, độ chịu lực/ sức nén và tính thấm nước. Việc tăng cường nền đất bằng phương pháp ổn định khối lượng chủ yếu dựa vào phản ứng giữa các hạt đất và chất kết dính. Sức chịu tải của đất thường tăng theo thời gian cho đến khi các phản ứng còn diễn ra trong khối đất được ổn định. Người ta cũng phát hiện ra rằng các chất kết dính Pozzolan có tác dụng tăng sức mạnh cho đất về lâu dài tốt hơn.

Những nghiên cứu ở Phần Lan và Estonia cho thấy phần lớn sự sụt lún diễn ra trong 2 tháng 3 tháng đầu tiên sau khi áp dụng công nghệ MASS STABILIZATION. Sau đó, sự sụt lún giảm mạnh và chỉ còn ở mức không đáng kể.

(Các giai đoạn sụt lún trong lớp ổn định khối lượng và sơ đồ thời gian sụt lún)

Người ta còn đo lường được rằng hàm lượng nước đã tăng gần gấp đôi khi so sánh các mẫu được lấy sau 23 năm với các mẫu được lấy sau 1 năm kể từ khi ổn định khối lượng. Ngoài ra, giá trị pH đã giảm khoảng một đơn vị trên cùng một khoảng thời gian, nhưng vẫn ở mức cao (> 11). Và quan trọng hơn hết, sức chịu tải của nền được ổn định khối lượng đã tăng lên trong suốt thời gian quan sát. Do đó, nhìn từ góc độ kĩ thuật, sự ổn định của khối nền yếu qua phương pháp MASS STABILIZATION là rất tích cực và được kiểm soát vì sức mạnh của khối yếu được ổn định tăng theo thời gian.

THI CÔNG CỌC ĐẦM NÉN CÁT

Xử lý nền đất yếu bằng cọc cát đầm

Cọc cát đầm là một trong những phương pháp xử lý nền đất yếu bằng cơ học. Cọc cát không phải là một bộ phận của kết cấu móng tiếp nhận và truyền tải trọng xuống nền đất như những loại cọc cứng khác, cọc cát chỉ tiếp nhận một phần tải trọng truyền xuống nền đất, nhiệm vụ chính của cọc cát là lèn chặt và thoát nước cho nền đất, làm tăng sức chịu tải cho nền.

Đặc điểm nền đất thường ứng dụng phương pháp cọc cát đầm

  • Cọc cát thường được dùng để gia cố nền đất yếu có chiều dày 5m-20m.
  • Khu vực có lớp đất yếu dày, chứa cát nhỏ, cát bụi dễ bị bão hòa trong nước hoặc các khu vực đất yếu có lớp bùn mỏng, đất dính như đất sét, đất pha cát và các loại đất bùn, than bùn.
  • Không nên sử dụng cọc cát ở các loại đất quá nhão, cát chảy. Trong trường hợp này cọc túi cát sẽ được xem xét sử dụng thay thế.
  • Thường được áp dụng trong các công trình có diện tích lớn.

Ưu điểm của phương pháp cọc cát đầm

  • Cọc cát giúp nước trong lỗ rỗng thoát ra nhanh, làm tăng nhanh quá trình cố kết và độ lún ổn định diễn ra nhanh hơn.
  • Nền đất được ép chặt do ống thép tạo lỗ, sau đó lèn chặt cát vào lỗ làm cho đất được nén chặt thêm, nước trong đất bị ép thoát vào cọc cát, do vậy làm tăng khả năng chịu lực cho nền đất sau khi xử lý.
  • Cọc cát thi công đơn giản, vật liệu rẻ tiền (cát) nên giá thành rẻ hơn so với dùng các loại vật liệu khác. Trong một số điều kiện có thể thay thế cát bằng các vật liệu rời khác như cấp phối đá thích hợp.
  • Và đặc biệt không bị ăn mòn nếu nước ngầm có tính xâm thực.

Một số yêu cầu kĩ thuật trong thi công

  • Đường kính cọc cát khi thi công thông thường được xử lý từ 70cm hoặc lớn hơn hơn tùy thuộc vào từng thiết bị thi công.
  • Chiều sâu cọc cát phụ thuộc vào độ ổn định và dộ lún của nền đất. Nhưng thông thường chiều sâu sẽ không quá 20m vì nếu cọc cát đặt quá sâu thì khó duy trì sự liên tục và đảm bảo chất lượng thi công.
  • Khoảng cách tĩnh không giữa vách các cọc cát khi đặt liền kề không nên quá 4 lần đường kính của chúng.

Để kiểm tra và khống chế chất lượng cọc cát khi xử lý nền đất yếu người ta thường khống chế năng lượng đầm rung trên 1m dài cọc. Và kiểm tra, khống chế khối lượng thể tích cát (đá). Sau khi thi công xong có thể đào ra để kiểm tra đường kính cọc.

Thi công cọc cát đầm chặt

  1. Xác định vị trí: Đặt ống vách đúng vị trí thi công đã thiết kế trước.
  2. Đóng ống vách: Dùng búa rung đóng ống vách xuống lòng đất.
  3. Đổ cát vào trong ống: Sau khi đóng ống vách xuống độ sâu cần thiết, mở cửa xả phễu để cho cát vào ống. Để đẩy cát xuống thông thường khí nén áp lực cao được thổi vào ống vách để đẩy cát xuống một cách liên tục bảo đảm cọc không bị gãy, thiếu đường kính và liên tục từ dưới lên trên.
  4. Rút ống vách lên: cát trong ống sẽ thoát ra ngoài nhờ áp lực của khí nén.
  5. Đóng ống vách, nén cát trong ống để cát tràn ra, làm tăng thể tích ống cát.
  6. Hoàn thành: Lập đi lập lại quy trình trên đến khi tạo thành cột cát chạm mặt đất.

Thiết bị thi công cọc cát đầm

Thiết bị ghi tự động

Để phục vụ cho công tác kiểm tra chất lượng, thiết bị thi công cọc đầm nén cát được trang bị thiết bị ghi tự động chiều sâu thi công, quy trình chuyển động của ống vách, cát trong phễu và cường độ dòng điện của búa rung đặt trên đầu ống vách. Bộ ghi tự động đó sẽ là tài liệu tham chiếu nhằm kiểm tra quy trình thi công, chất lượng của cọc.

 

XỬ LÝ NỀN BẰNG PHƯƠNG PHÁP BƠM HÚT CHÂN KHÔNG

Giới thiệu sơ lược

Hệ thống chính bao gồm:

  • Hệ thống bơm chân không: để tạo ra áp lực chân không.
  • Hệ thống thoát nước dọc: PVD.
  • Hệ thống thoát nước ngang: Ống lọc, Ống UPVC.
  • Hệ thống kín khí: Màng kín khi, vải địa kỹ thuật, rãnh kín, tường sét (nếu cần).

Quy trình thi công bao gồm:

  • San lấp mặt bằng thi công.
  • Thi công đóng bấc thấm.
  • Thi công tường sét (nếu cần).
  • Lắp đặt hệ thống thoát nước ngang và kết nối với bấc thấm.
  • Thi công trải vải địa kỹ thuật lớp dưới và lớp màng kín khí.
  • Lắp đặt hệ thống bơm chân không, hệ thống quan trắc và vận hành thử nghiệm.
  • Khi áp lực chân không ổn định, thi công trải vải địa lớp trên và giai tải cát.
  • Vận hành hệ thống cho đến khi đáp ứng đủ theo yêu cầu thiết kế.
  • Dở lớp cát gia tải.

San lấp mặt bằng thi công

Thi công đóng bấc thấm

  • Nếu có lớp chắn cát trong đất mềm, hoặc lớp phủ cát dày (lớn hơn 4m) ở phía trên, thì tường sét là cần thiết.
  • Chiều rộng của bức tường sẽ không nhỏ hơn 1,2m và độ thấm sẽ không lớn hơn 1 × 10-5 cm / s.

Thi công tường sét (nếu cần)

Lắp đặt ống thoát nước ngang

Lắp đặt ống dọc và kết nối với ống thoát nước ngang

Kết nối bấc thấm với ống thoát nước ngang

Bố trí hệ thống thoát nước ngang

CÔNG NGHỆ MASS STABILIZATION

CÔNG NGHỆ MASS STABALIZATION – PHƯƠNG PHÁP GIA CỐ NÔNG

Giới thiệu về phương pháp MASS STABILIZATION

MASS STABILIZATION (Gia cố nông) là quá trình sử dụng các phụ gia hóa học và các chất ổn định để thay đổi các đặc tính kỹ thuật của một khối đất để cải thiện hiệu suất kỹ thuật địa kỹ thuật của một nền tảng nhất định, hoặc để đạt được các mục tiêu hiệu suất môi trường. Việc áp dụng kỹ thuật ổn định khối lượng làm thay đổi đặc tính kỹ thuật và tính chất môi trường của đất mềm theo cách có thể xây dựng trực tiếp trên nền đất ổn định hoặc sử dụng nó làm vật liệu xây dựng. Do sự phát triển của chất kết dính đa năng, các loại đất mềm có thể được ổn định với một chi phí hiệu quả.

Tất cả các dự án áp dụng MASS STABILIZATION sử dụng chất kết dính, hoặc chất ổn định hóa học phản ứng với khối lượng đất để thay đổi các tính chất của nó. Kết quả của việc quan trắc mặt đất và các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, số lượng và chất lượng của chất kết dính được tối ưu hóa để đạt được các thuộc tính đích với chi phí tối thiểu. Việc sử dụng các sản phẩm phụ công nghiệp khác nhau trong hỗn hợp với các chất kết dính cho phép gia tăng hiệu quả chi phí của phương pháp ổn định khối lượng.

Sự hình thành và phát triển

  • Năm 1990, phương pháp MASS STABILIZATION và nguyên mẫu thiết bị cần thiết cho ứng dụng của nó đã được phát triển ở Phần Lan.
  • Năm 1993, các ứng dụng lớn đầu tiên bao gồm sự ổn định khối lượng của các khu vực than bùn trong một số công trình xây dựng đường bộ và đường sắt hoạt động ở Phần Lan và Thụy Điển. Kinh nghiệm tốt có được thông qua các dự án đó đã dẫn đến khả năng mở rộng ứng dụng cho phương pháp này.
  • Năm 1996, ổn định khối lượng cũng đã được sử dụng để xử lý các trầm tích nạo vét mềm / ô nhiễm cho phép sử dụng thêm làm vật liệu trong các hoạt động xây dựng phát triển cảng khác nhau.
  • Trong ba thập kỷ qua, phương pháp này đã được thực hiện ở hơn 30 quốc gia, áp dụng trong nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng và kỹ thuật môi trường khác, mang lại hiệu quả cao về kĩ thuật và kinh tế.

Lĩnh vực ứng dụng

  • Đường bộ, đường phố và đường sắt;
  • Kỹ thuật đô thị;
  • Bến cảng và tuyến đường biển;
  • Địa điểm cảnh quan (ví dụ công viên);
  • Công trình bảo vệ môi trường;
  • Khu công nghiệp và thương mại;
  • Khu vực xây dựng nhà ở; và
  • Chống lũ lụt.

Ưu điểm của phương pháp MASS STABILIZATION

  • Ứng dụng rộng rãi với nhiều dạng công trình khác nhau
  • Máy móc đơn giản, tốc độ xử lý nhanh giúp tiết kiệm thời gian và chi phí
  • Thân thiện với môi trường nhờ áp dụng kĩ thuật tại chỗ, giảm các hoạt động đào xới và chở than bùn đi xa, từ đó làm giảm khí thải.

Một số kĩ thuật thực hiện

Ổn định khối lượng thường được dùng theo 3 cách:

(a) dùng độc lập đến hết lớp đất mềm trên bề mặt,

(b) ổn định khối lượng đến độ sâu mục tiêu được thiết kế và

(c) kết hợp ổn định khối lượng và ổn định cột.

Quy trình thực hiện

  • Thu thập thông tin và dữ liệu ban đầu;
  • Nghiên cứu khả thi;
  • Điều tra và thiết kế các thử nghiệm ổn định ban đầu;
  • Thiết kế, bản vẽ kỹ thuật, thông số kỹ thuật công trình, kế hoạch đảm bảo chất lượng;
  • Triển khai công trình và kiểm soát chất lượng; và
  • Theo dõi kiểm soát chất lượng và báo cáo.

CHẤT KẾT DÍNH, THÀNH PHẦN QUAN TRỌNG TRONG CẤU THÀNH CHI PHÍ MASS STABILIZATION

Chất kết dính đóng góp lên đến khoảng 70% chi phí của phương pháp MASS STABILIZATION. Trong đó, xi măng là chất kết dính được sử dụng phổ biến nhất. Các giải pháp thay thế như sản phẩm phụ công nghiệp được ưa chuộng vì tính kinh tế và hạn chế khí thải cacbon ra môi trường. Việc thay thế xi măng bằng chất kết dính là các sản phẩm phụ công nghiệp (ví dụ tro bay, tro đá phiến dầu, bột xỉ lò và thạch cao) trong quá trình ổn định than bùn đã được nghiên cứu rộng rãi cả trong phòng thí nghiệm và ngoài hiện trường. Mục đích của việc sử dụng các sản phẩm phụ công nghiệp là tạo ra tác động tích cực đến chất lượng kỹ thuật và môi trường của các khối ổn định, cũng như làm giảm chi phí của hỗn hợp chất kết dính.

XI MĂNG

Xi măng là loại chất kết dính được sử dụng phổ biến nhất trong MASS STABILIZATION. Ưu điểm của việc sử dụng xi măng so với các chất kết dính khác là cho phép xử lý nhanh khối lượng ổn định ban đầu (phát triển cường độ), góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ công việc. Các tính năng bảo dưỡng dài hạn của xi măng thường nhỏ hơn so với các chất kết dính khác. Khi dùng xi măng là chất kết dính, cấu trúc khối kết dính sẽ cứng nhưng tương đối giòn, phù hợp cho những công trình cần kết cấu sau xử lý một lớp khối dày và giống như phiến. Trong xi măng, sự chuyển động của các ion canxi (khuếch tán) trong vật liệu tổng hợp là thấp. Do đó, nếu chỉ trộn xi măng làm chất kết dính với vật liệu tổng hợp, kết quả không đồng nhất tiềm năng sẽ không cải thiện theo thời gian.

VÔI

Trong công nghệ MASS STABILIZATION, vôi thường được sử dụng ở dạng vôi sống (CaO) và thỉnh thoảng dùng ở dạng nước (Ca(OH)2). Trên thực tế, người a hay dùng các sản phẩm vôi phối trộn với những chất kết dính khác tạo thành hỗn hợp kết dính để thi công. Trong nhiều trường hợp, chất kết dính khác đó là xi măng. Vôi sống là chất kết dính rất dễ phản ứng. Nó phản ứng với nước rất nhanh và tỏa nhiệt làm tăng tốc các phản ứng đóng rắn tiếp theo. Khi vôi được sử dụng, cấu trúc ổn định thu được trở nên thô hơn và tính thấm nước của nó có thể tăng lên. Hiệu quả bảo dưỡng ban đầu tương đối chậm nhưng mặt khác, các phản ứng dài hạn xảy ra trong cấu trúc ở một mức độ đáng kể. Vôi thực sự là một chất kết dính ổn định chậm mà các phản ứng pozzolanic có thể tiếp tục trong nhiều năm sau khi hoàn thành công việc ổn định. Khả năng khuyếch tán của vôi vào đất sét xung quanh cho phép bù lại kết quả không đồng nhất của trộn cơ học và thông qua đó để cải thiện chất lượng của cấu trúc cuối cùng.

CÁC CHẤT KẾT DÍNH KHÁC

Các chất kết dính khác thường được sử dụng trong ổn định khối lượng bao gồm các sản phẩm phụ của các quy trình công nghiệp, chẳng hạn như các loại xỉ, tro bay và các sản phẩm thạch cao. Trong hầu hết các trường hợp, các vật liệu này được sử dụng cùng với các thành phần chất kết dính thương mại với mục tiêu cải thiện các tính chất kỹ thuật và môi trường của cấu trúc cuối cùng, và cũng để giảm chi phí chất kết dính. Trong một số trường hợp đặc biệt, có thể tiến hành ổn định / hóa rắn khối đất chỉ với việc sử dụng các sản phẩm phụ làm thành phần chất kết dính. Việc sử dụng các sản phẩm phụ công nghiệp làm chất kết dính thường ở một tỉ lệ nhất định. Trong một sô dự án, toàn bộ chất kết dính là sản phẩm phụ công nghiệp, như vậy sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí thi công. Tuy nhiên, việc này có thể làm chậm quá trình ổn định thực tế. Lợi thế kinh tế làm cho phương pháp MASS STABILIZTION hấp dẫn và cạnh tranh hơn so với nhiều phương pháp xử lý nền yếu khác.

Kết hợp các thành phần chất kết dính khác nhau cho phép tạo ra các hỗn hợp phù hợp cho từng yêu cầu xử lý nền khác nhau. Sự thay đổi trong công thức chất kết dính phụ thuộc vào tiến độ dự án, sự kết hợp của khối ướt (thành phần liên kết với nước), yêu cầu kĩ thuật của khối nền sau xử lý, tính chất biến dạng, khả năng bù đắp cho chất kết dính không đồng đều với đất, khả năng liên kết các hạt có hại trong đất ổn định, tính thấm nước và kinh phí của dự án. Trong hầu hết các trường hợp, xi măng hoặc vôi là một phần của hỗn hợp trong vai trò của chất xúc tác kích hoạt phản ứng.

S-Link là một trong những Công ty tiên phong áp dụng Phương pháp MASS STABILIZATION trong xử lý nền và thực hiện thành công cho nhiều dự án lớn nhỏ. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn.

Công ty TNHH Thương Mại Xây Dựng S-LINK

VPGD: 311-M1 Đường số 7, KP1, P.An Phú, Q2, TP.HCM

Phone: 028.6683.0456

Email: info@slinkgroup.com

XỬ LÝ NỀN BẰNG BẤC THẤM

Bấc thấm trong xử lý nền đất yếu

Xử lý nền đất yếu là công tác rất quan trọng giúp tạo nên nền đất đảm bảo chống đỡ những công trình xây dựng phía trên. Rất nhiều phương pháp mới được nghiên cứu và ứng dụng cùng với những phương pháp được dùng từ lâu. Bấc thấm là một trong những kĩ thuật được ứng dụng rộng rãi hiện nay, có thể được dùng độc lập hoặc kết hợp với nhiều phương pháp xử lý đất nền yếu hiện đại.

Bấc thấm là gì ?

Bấc thấm áp dụng nguyên lý tự nhiên của hiện tượng Mao dẫn, được con người phát hiện và ứng dụng từ khoảng năm 1970. Bấc thấm là một vật liệu thoát nước ngầm sử dụng trong xây dựng hạ tầng, ổn định nền móng. Bấc thấm có cấu tạo gồm lỏi nhựa Plastic dẹp được bọc quanh bởi một lớp vải địa kỹ thuật không dệt có tính thấm cao và kích thước lổ cực kỳ nhỏ.

Lớp vải có tác dụng lọc, chỉ cho nước trong lỗ rỗng của đất thấm vào lõi chất dẻo bên trong, đồng thời ngăn các hạt cát nhỏ nhất trong lớp trầm tích của đất xâm nhập vào lỏi nhựa, làm tắc đường dẫn của lõi. Lõi chất dẽo chính là đường tập trung nước và dẫn chúng thoát ra ngoài khỏi nền đất yếu bão hòa nước. Lõi chất dẽo có 2 chức năng: Vừa đỡ lớp bao bọc ngoài, và tạo đường cho nước thấm dọc chúng ngay cả khi áp lực ngang xung quanh lớn.

Ứng dụng của Bấc thấm

Ứng dụng chính của Bấc thấm là một loại vật liệu dẫn nước dưới lòng đất. Các kĩ sư Hà Lan đã linh hoạt sử dụng bất thấm làm ống địa kĩ thuật để thoát nước chống ngập úng cho những vùng canh tác nông nghiệp trủng, thấp. Ở Việt Nam, ứng dụng phổ biến nhất của Bấc thấm là dùng để ổn định nền cho những nền móng ở địa tầng phức tạp, có những túi nước hoặc nền móng bất ổn hoặc những vùng đất có trầm tích vô cùng phức tạp và rất yếu với nhiều túi nước bên dưới. Điển hình của những vùng đất yếu như vậy là vùng giáp Sông Thị Vải hoặc cảng Cái Mép. Để xây dựng công trình cầu cảng trên những vùng đất này đòi hỏi xử lý ổn định nền móng trong một thời gian ngắn. Trong khi những phương pháp khác, thời gian thi công rất lâu, chỉ có Bấc thấm đứng mới có thể đáp ứng các yêu cầu tiến độ với độ ổn định của nền sau xử lý đạt từ 90 đến 95%. Bấc thấm giúp đẩy nhanh quá trình thoát nước trong các lỗ rỗng của đất yếu, làm giảm độ rỗng, độ ẩm, tăng dung trọng. Kết quả là làm tăng nhanh quá trình cố kết của nền đất yếu, tăng sức chịu tải và làm cho nền đất đạt độ lún quy định trong thời gian cho phép.

(Thiết bị thi công của S-LINK thi công bất thấm xử lý nền đất yếu dự án Cảng Tổng Hợp Cái Mép)

Phương pháp bấc thấm có thể sử dụng độc lập, hoặc trong trường hợp cần tăng nhanh tốc độ cố kết, người ta có thể sử dụng kết hợp đồng thời biện pháp xử lý bằng bấc thấm với nhiều phương pháp xử lý nền đất yếu khác để đẩy nhanh tiến độ xử lý nền đất yếu.

Bấc thấm kết hợp với gia tải tạm thời

Phương pháp gia tải trước thường là giải pháp công nghệ kinh tế nhất để xử lý nền đất yếu. Phương pháp này có thể sử dụng để xử lý khi gặp nền đất yếu như than bùn, bùn sét và sét pha dẻo nhão, cát pha bão hoà nước. Tải trọng gia tải trước có thể bằng hoặc lớn hơn tải trọng công trình trong tương lai và được dỡ bỏ khi độ lún đạt yêu cầu. Trong phương pháp này, nền đất được cố kết và tăng sức chịu tải nhờ áp lực của trọng lượng gia tải và cần thời gian dài để đạt đến yêu cầu xây dựng. Trong một số dự án cần rút ngắn thời gian xử lý nền, người ta dùng kết hợp gia tải trước với bấc thấm.

Bấc thấm trong phương pháp đầm chặt lớp đất mặt

Phương pháp đầm chặt mặt đất thường được dùng khi nền đất yếu nhưng có độ ẩm nhỏ (G < 0,7) giúp tăng cường độ chống cắt của đất và làm giảm tính nén lún. Ưu điểm của phương pháp này là tận dụng được nền đất thiên nhiên để đặt móng, giảm được khối lượng đào đắp. Trong một số công trình, tùy thuộc vào tiến độ, điều kiện địa chất công trình, địa chất thuỷ văn của nơi xây dựng, người ta có thể kết hợp giữa phương pháp đầm chặt mặt đất và bấc thấm đứng để tăng nhanh quá trình cố kết của đất nền, tăng nhanh tốc độ lún theo thời gian, từ đó giảm thời gian thi công.

Tóm lại, bấc thấm được ứng dụng rất rộng rãi trong xử lý nền đất yếu. Có thể dùng độc lập hoặc kết hợp với nhiều phương pháp khác giúp đẩy nhanh thời gian thi công. Tuy nhiên, trước khi thi công cần khảo sát kĩ, tính toán để đảm bảo yêu cầu của công trình.