XỬ LÝ NỀN BẰNG BẤC THẤM

Bấc thấm trong xử lý nền đất yếu

Xử lý nền đất yếu là công tác rất quan trọng giúp tạo nên nền đất đảm bảo chống đỡ những công trình xây dựng phía trên. Rất nhiều phương pháp mới được nghiên cứu và ứng dụng cùng với những phương pháp được dùng từ lâu. Bấc thấm là một trong những kĩ thuật được ứng dụng rộng rãi hiện nay, có thể được dùng độc lập hoặc kết hợp với nhiều phương pháp xử lý đất nền yếu hiện đại.

Bấc thấm là gì ?

Bấc thấm áp dụng nguyên lý tự nhiên của hiện tượng Mao dẫn, được con người phát hiện và ứng dụng từ khoảng năm 1970. Bấc thấm là một vật liệu thoát nước ngầm sử dụng trong xây dựng hạ tầng, ổn định nền móng. Bấc thấm có cấu tạo gồm lỏi nhựa Plastic dẹp được bọc quanh bởi một lớp vải địa kỹ thuật không dệt có tính thấm cao và kích thước lổ cực kỳ nhỏ.

Lớp vải có tác dụng lọc, chỉ cho nước trong lỗ rỗng của đất thấm vào lõi chất dẻo bên trong, đồng thời ngăn các hạt cát nhỏ nhất trong lớp trầm tích của đất xâm nhập vào lỏi nhựa, làm tắc đường dẫn của lõi. Lõi chất dẽo chính là đường tập trung nước và dẫn chúng thoát ra ngoài khỏi nền đất yếu bão hòa nước. Lõi chất dẽo có 2 chức năng: Vừa đỡ lớp bao bọc ngoài, và tạo đường cho nước thấm dọc chúng ngay cả khi áp lực ngang xung quanh lớn.

Ứng dụng của Bấc thấm

Ứng dụng chính của Bấc thấm là một loại vật liệu dẫn nước dưới lòng đất. Các kĩ sư Hà Lan đã linh hoạt sử dụng bất thấm làm ống địa kĩ thuật để thoát nước chống ngập úng cho những vùng canh tác nông nghiệp trủng, thấp. Ở Việt Nam, ứng dụng phổ biến nhất của Bấc thấm là dùng để ổn định nền cho những nền móng ở địa tầng phức tạp, có những túi nước hoặc nền móng bất ổn hoặc những vùng đất có trầm tích vô cùng phức tạp và rất yếu với nhiều túi nước bên dưới. Điển hình của những vùng đất yếu như vậy là vùng giáp Sông Thị Vải hoặc cảng Cái Mép. Để xây dựng công trình cầu cảng trên những vùng đất này đòi hỏi xử lý ổn định nền móng trong một thời gian ngắn. Trong khi những phương pháp khác, thời gian thi công rất lâu, chỉ có Bấc thấm đứng mới có thể đáp ứng các yêu cầu tiến độ với độ ổn định của nền sau xử lý đạt từ 90 đến 95%. Bấc thấm giúp đẩy nhanh quá trình thoát nước trong các lỗ rỗng của đất yếu, làm giảm độ rỗng, độ ẩm, tăng dung trọng. Kết quả là làm tăng nhanh quá trình cố kết của nền đất yếu, tăng sức chịu tải và làm cho nền đất đạt độ lún quy định trong thời gian cho phép.

(Thiết bị thi công của S-LINK thi công bất thấm xử lý nền đất yếu dự án Cảng Tổng Hợp Cái Mép)

Phương pháp bấc thấm có thể sử dụng độc lập, hoặc trong trường hợp cần tăng nhanh tốc độ cố kết, người ta có thể sử dụng kết hợp đồng thời biện pháp xử lý bằng bấc thấm với nhiều phương pháp xử lý nền đất yếu khác để đẩy nhanh tiến độ xử lý nền đất yếu.

Bấc thấm kết hợp với gia tải tạm thời

Phương pháp gia tải trước thường là giải pháp công nghệ kinh tế nhất để xử lý nền đất yếu. Phương pháp này có thể sử dụng để xử lý khi gặp nền đất yếu như than bùn, bùn sét và sét pha dẻo nhão, cát pha bão hoà nước. Tải trọng gia tải trước có thể bằng hoặc lớn hơn tải trọng công trình trong tương lai và được dỡ bỏ khi độ lún đạt yêu cầu. Trong phương pháp này, nền đất được cố kết và tăng sức chịu tải nhờ áp lực của trọng lượng gia tải và cần thời gian dài để đạt đến yêu cầu xây dựng. Trong một số dự án cần rút ngắn thời gian xử lý nền, người ta dùng kết hợp gia tải trước với bấc thấm.

Bấc thấm trong phương pháp đầm chặt lớp đất mặt

Phương pháp đầm chặt mặt đất thường được dùng khi nền đất yếu nhưng có độ ẩm nhỏ (G < 0,7) giúp tăng cường độ chống cắt của đất và làm giảm tính nén lún. Ưu điểm của phương pháp này là tận dụng được nền đất thiên nhiên để đặt móng, giảm được khối lượng đào đắp. Trong một số công trình, tùy thuộc vào tiến độ, điều kiện địa chất công trình, địa chất thuỷ văn của nơi xây dựng, người ta có thể kết hợp giữa phương pháp đầm chặt mặt đất và bấc thấm đứng để tăng nhanh quá trình cố kết của đất nền, tăng nhanh tốc độ lún theo thời gian, từ đó giảm thời gian thi công.

Tóm lại, bấc thấm được ứng dụng rất rộng rãi trong xử lý nền đất yếu. Có thể dùng độc lập hoặc kết hợp với nhiều phương pháp khác giúp đẩy nhanh thời gian thi công. Tuy nhiên, trước khi thi công cần khảo sát kĩ, tính toán để đảm bảo yêu cầu của công trình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *